Canh nông - một hướng đến của ngành du lịch Đà Lạt

Trong chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng tiếp cận đa ngành mà Lâm Đồng đang theo đuổi có một nội dung khá quan trọng: Tạo dựng nên một nền du lịch canh nông phục vụ du khách trong và ngoài nước. Trong thực tế những năm gần đây, khái niệm du lịch canh nông không còn xa lạ với ngành du lịch Lâm Đồng, với ngay cả những nhà nông Đà Lạt. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho loại hình du lịch này trong chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng tiếp cận đa ngành đó là du lịch canh nông phải là một loại hình du lịch được tổ chức một cách khoa học, góp phần phát triển kinh tế du lịch, đồng thời là “điểm nhấn” của kinh tế nông nghiệp. Nói cách khác, đó là loại hình du lịch lấy nông nghiệp để phát triển và phục vụ lại cho chính ngành nông nghiệp.

Hội đủ điều kiện để phát triển du lịch canh nông

sàn phẩm cà chua trái lớn của Đà Lạt

sàn phẩm cà chua trái lớn của Đà Lạt

Lâm Đồng, nhất là Đà Lạt, có quá nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – cho biết: Gần 40.000ha đất sản xuất nông nghiệp được ứng dụng công nghệ cao (chiếm gần 15% trong tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh) hiện là con số khiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm một cách đặc biệt, trong đó có cả các nhà làm du lịch nông nghiệp nước ngoài. Tại một hội thảo về hợp tác đầu tư do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức mới đây tại Đà Lạt, một số nhà đầu tư đến từ Nhật Bản tỏ ra rất thiện chí: Lâm Đồng đã hội đủ điều kiện để phát triển du lịch canh nông. Trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng tiếp cận đa ngành, du lịch canh nông là một lợi thế cần được khai thác của Lâm Đồng.

cà chua đen Đà lạt

cà chua đen Đà lạt

Thực ra, du lịch canh nông là khái niệm tưởng chừng như hoàn toàn mới nhưng nó đã định hình từ khá lâu trong phát triển nông nghiệp và du lịch Đà Lạt với các tên gọi khá gần như du lịch làng nghề, du lịch nhà vườn, du lịch trải nghiệm vùng rau hoa… Ông Nghiêm Văn Minh – chủ trang trại dâu tây Pháp tại hồ Than Thở (Đà Lạt) – không giấu niềm vui: “Lập ra trang trại này, ban đầu, mục đích của tôi chỉ là phục tráng một giống cây đặc sản của Đà Lạt và sau đó là kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi mở cửa đón du khách, tôi nhận ra rằng vườn dâu tây của mình có một thế mạnh khác là du lịch mà tôi hoàn toàn yên tâm khai thác”. Mới đây, tại buổi đón tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến tham quan, ông Nghiêm Văn Minh giới thiệu về vườn dây tây Pháp và Công ty Sinh học sạch Biofresh của mình: “Thưa Chủ tịch, công nghệ sạch trong nông nghiệp đang là mối quan tâm của du khách hiện nay, nhất là du khách nước ngoài. Biofresh chúng tôi trong năm qua đã đón không ít đoàn du khách nước ngoài đến tham quan và tìm hiểu công nghệ sạch trong canh tác nông nghiệp của trang trại chúng tôi…”. Có mặt tại buổi đến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chúng tôi không quá khó khăn để nhận ra cùng đi với đoàn còn có rất nhiều doanh nhân là người nước ngoài chuyên trên lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.

Nghĩ đến việc vừa làm nông nghiệp, vừa làm du lịch

Một lần khác, trong chuyến khảo sát về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại Công ty Trường Hoàng, một trong những công ty chuyên sản xuất hoa lan vũ nữ công nghệ cao để xuất khẩu ở huyện Đức Trọng, Bộ trưởng “ngỏ lời”: “Trang trại có thường xuyên đón các đoàn du khách đến tham quan không? “Ông chủ” đã nghĩ đến việc vừa làm nông nghiệp, vừa làm du lịch chưa?”. Chủ trang trại Trường Hoàng, ông Nguyễn Xuân Trường, trả lời: “Mặc dầu trang trại ở một nơi khá hẻo lánh nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên đón tiếp các đoàn khách du lịch đến tham quan, trong đó có cả du khách là người nước ngoài. Tuy nhiên, thưa Bộ trưởng, nếu để du lịch trở thành một nguồn thu thực sự của Trường Hoàng, chúng tôi phải cần một thời gian…”.

Vườn cà chua Đà Lạt

Vườn cà chua Đà Lạt

Cho đến lúc này, việc mở cửa nhà vườn để đón du khách không còn là chuyện hiếm của nông dân Đà Lạt; tuy nhiên, nếu bảo rằng đưa du lịch vào hạch toán kinh doanh như một ngành kinh tế thực sự thì chưa có mấy ai. Nguyên nhân khá dễ hiểu là nhà nông làm công nghệ cao của Đà Lạt và Lâm Đồng hầu như chỉ lấy du lịch làm cái cớ để thu hút khách hàng trong tiêu thụ sản phẩm. Nói đúng hơn, du lịch chỉ mới là chất xúc tác để nhà vườn Đà Lạt – Lâm Đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chứ chưa thực sự là mục đích kinh doanh. Nhìn ở phạm vi cả nước, mô hình du lịch homestay không còn quá xa lạ đối với nhà nông nhạy bén trong kinh doanh sản phẩm du lịch nông nghiệp, nhất là các sản phẩm du lịch nông nghiệp thế mạnh của địa phương. Còn tại Lâm Đồng, rất có thể Đà Lạt là một trong những nơi khởi nguồn của du lịch canh nông nhưng vấn đề khai thác loại hình du lịch này lại là một chuyện khác.

Báo cáo mới đây của UBND tỉnh Lâm Đồng cho thấy: Trong 6 tháng đầu năm 2015, du khách nước ngoài đến Lâm Đồng đạt 92.400 lượt, con số này chưa phản ánh hết tiềm năng to lớn của du lịch Lâm Đồng. Do đó, vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện tại là phải tạo nên những gì mới lạ với nhiều sản phẩm mới hấp dẫn phục vụ du khách, nhất là loại hình du lịch canh nông trong chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng tiếp cận đa ngành.

Thi Hoàng

Lịch trình du lịch: