Nhắc tới Tây Nguyên người ta liên tưởng ngay tới vùng đất của những sử thi, trường ca Đam Sam hào hùng, của không gian văn hóa cồng chiêng đặc sắc hay những thác nước hùng vỹ cùng sự đa dạng, phong phú của hoa, lá, động thực vật tại những khu vườn nguyên sinh bạt ngàn. Nhưng có ai biết được rằng, có một Tây Nguyên thu nhỏ đang hiển hiện ngay giữa lòng thành phố Đà Lạt mộng mơ: Viện bảo tàng sinh học Tây Nguyên.
Cái tên có lẽ không còn xa lạ với nhiều du khách đã từng một lần đặt chân lên mảnh đất đầy mê hoặc này. Viện bảo tàng sinh học Tây Nguyên nằm trên đỉnh đồi Tùng Lâm cao 1.548m, cách trung tâm thành phố tầm 10km về hướng Bắc. Được biết, tòa nhà này do người Pháp xây dựng vào những năm 50 của thế kỷ trước với vật liệu chính là đá, cao 5 tầng, gồm 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, với 120 phòng. Bảo tàng sinh học Tây Nguyên trước đây là Học viện Dòng chúa cứu thế thuộc giáo hội công giáo, đến năm 1991 được chuyển giao cho Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia. Với giá vé 15.000 Đồng/ Người .
Hiện nay, Bảo tàng sinh học Tây Nguyên đang trưng bày hơn 1.300 mẫu động vật, gồm 422 mẫu thú của 68 loài, 310 mẫu chim của 112 loài, 54 mẫu lưỡng thể bò sát của 18 loài, và hơn 600 mẫu của các loài côn trùng thuộc 10 bộ. Không dừng lại ở đó, Bảo tàng sinh học Tây Nguyên còn trưng bày 226 mẫu xương của 2 loài động vật và hơn 240 loài nấm lớn của khu vực rừng thông Đà Lạt.